NCS Tạ Thị Thanh Huyền bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngày 18/01/2012, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho NCS Tạ Thị Thanh Huyền, chuyên ngành Quản lý kinh tế (Phân bố lực lượng sản xuất và Phân vùng kinh tế), với đề tài “Nghiên cứu các hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất chè ở vùng Đông Bắc Bắc bộ theo hướng phát triển bền vững”.
Thứ tư, ngày 18/01/2012

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Đề tài luận án: Nghiên cứu các hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất chè ở vùng Đông Bắc Bắc bộ theo hướng phát triển bền vững
Chuyên ngành: Quản lý kinh tế (Phân bố lực lượng sản xuất và Phân vùng kinh tế)   
Mã số: 62.34.01.01
Nghiên cứu sinh: Tạ Thị Thanh Huyền                       
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh       2. PGS.TS. Trần Chí Thiện

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Khác với những nghiên cứu về tổ chức lãnh thổ sản xuất nông nghiệp trước đây, luận án đưa ra cách tiếp cận mới trong nghiên cứu các hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất chè trong đó xem xét các hình thức tổ chức trong điều kiện kinh tế thị trường. Cách tiếp cận này cho phép đánh giá sự liên kết hữu cơ theo chiều dọc giữa các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị ngành chè, và sự liên kết theo chiều ngang giữa các khu vực sản xuất chè với các khu vực chế biến, tiêu thụ  thông qua việc thực hiện hiệu quả công tác phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ công như khuyến công, khuyến nông, xúc tiến thương mại để hình thành vùng chè theo lợi thế so sánh.

Luận án đã áp dụng phương pháp bản đồ và phần mềm hệ thống thông tin địa lý (GIS) để xây dựng bản đồ hiện trạng các nguồn lực chủ yếu cho sản xuất chè vùng đồng bằng Bắc bộ; hiện trạng các hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất chè vùng đồng bằng Bắc bộ và phương hướng phát triển các hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất chè vùng đồng bằng Bắc bộ.

Những kết luận, đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu

Kết quả phân tích hiện trạng các hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất chè theo chiều ngang cho thấy việc quy hoạch các vùng chuyên canh chè hiện nay chưa có sự gắn kết giữa người sản xuất với nhà máy chế biến và với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; cơ sở hạ tầng tại các khu vực chuyên canh chè của vùng còn yếu, thiếu và chưa đồng bộ.

Kết quả phân tích các hình thức tổ chức lãnh thổ theo chiều dọc chỉ ra việc phân phối về thu nhập trong chuỗi giá trị ngành chè của vùng là chưa công bằng, các cơ sở chế biến có tỉ trọng giá trị gia tăng về thu nhập rất cao (55,2 %), các hộ sản xuất chè nguyên liệu có chi phí cao, nhưng giá trị gia tăng về thu nhập lại rất thấp (2,6%) trong tổng thu nhập của chuỗi.

Phát triển bền vững của các hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất chè vùng đồng bằng Bắc bộ đã đặt ra một số vấn đề cần giải quyết như:

(1) Khâu sản xuất: quy mô diện tích sản xuất nhỏ, giống cũ, phương thức canh tác chưa phù hợp, khả năng về vốn đầu tư hạn chế, việc tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn;

(2) Khâu chế biến: có quá nhiều cơ sở chế biến, nên tổng công suất chế biến công nghiệp vượt quá khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, lãng phí nguồn lực của vùng;

(3) Khâu tiêu thụ: năng lực cạnh tranh thấp, chưa đa dạng hoá các loại hình sản phẩm, mẫu mã nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, giá xuất khẩu thấp.

Để phát triển bền vững các hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất chè vùng đồng bằng Bắc bộ, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

(1) Giải pháp phát triển các hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất chè theo chiều ngang: cần tập chung giải quyết tốt công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác khuyến công, khuyến nông và xúc tiến thương mại;

(2) Giải pháp phát triển các hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất chè theo chiều dọc: cần có sự phân phối công bằng về thu nhập từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi giá trị ngành chè của vùng;

(3) Hoàn thiện một số chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách đất đai, chính sách vốn, phát triển khoa học công nghệ;

(4) Hoàn thiện chính sách đầu tư công, dịch vụ công để góp phần tạo ra vùng sản xuất chè.

(5) Nâng cao năng lực cho các hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất chè của vùng.

Nội dung của luận án xem tại đây.